Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Lễ Ký
bão 暴
◎ Nôm: 雹 AHV: bạo. bão: nói tắt từ chữ bạo phong 暴風 mà âm Việt hoá là bão bùng. 風 *pjuwng [Baxter 1992: 185]. Ss đối ứng paw, baw (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 175].
dt. hiện tượng gió xoáy giật và mưa lớn. Sách Lễ Ký có câu: “[tháng mạnh đông] thi hành lệnh nhà Hạ, thì nước có nhiều gió bão, đương khi ấy mùa đông mà không lạnh, côn trùng lại sinh sôi” ([孟冬之月]行夏令,則國多暴風,方冬不寒,蟄虫復出). Khi bão mới hay là cỏ cứng, khuở nghèo thì biết có tôi lành. (Bảo kính 131.5)‖ Đường Thái Tông trong bài đề từ cho các công thần trong lăng yên các có câu ngự tứ cho tống tiêu vũ như sau: “gió gấp hay cỏ cứng, loạn lạc biết hiền thần” (疾風知勁草,板蕩識誠臣 tật phong tri kính thảo, bản đãng thức thành thần).
chính 正
tt. đgt. đúng, không tà vạy, không lỗi đạo, khiến cho lòng quay trở về với đạo chính. Trị dân sơ lập lòng cho chính, có nước thường in nguyệt khá rây. (Bảo kính 137.5). Dịch từ cụm “chính tâm” (正心). Sách Lễ Ký thiên Đại Học ghi: “Muốn tu thân trước phải chính tâm” (欲脩其身者,先正其心). Tư Mã Quang trong giao chỉ hiến kỳ thú phú ghi: “Ta từng nghe rằng thánh nhân xưa khi trị thiên hạ thì lấy việc chính tâm làm gốc” (吾聞古聖人之治天下也,正心以為本).
dt. thuật ngữ trong binh pháp thời cổ, trỏ việc tập kích. Nước dẫy triều cường, cuối bãi đầy, làm “kỳ”, “chính” kháo nên bầy. (Nhạn trận 249.2). x. kỳ.
dể 易
◎ Nôm: 易 Đọc âm HHV.
đgt. <từ cổ> coi rẻ, coi khinh, trong khinh dể, dể duôi. dể nay viết là rẻ. “dể 易: contemnere. Dể duôi. Khinh dể. Dể ngươi. id.” [Taberd 1838: 106]. Sách Lễ Ký thiên Nhạc kí ghi: “Cái lòng khinh rẻ tự nảy sinh” (易慢之心入之矣), chú rằng: “dị: khinh rẻ” (易,輕易也). Hán Thư có câu: “quan dân đều khinh rẻ hắn” (吏民慢易之). Liễu Tông Nguyên đời Đường trong bài Đồng khu kí truyện có câu: “giặc coi thường ông” (賊易之). Khong khảy kẻ cười cùng kẻ thốt, khó khăn người dể miễn người duôi. (Tự thán 106.6).
Huyền Minh 玄冥
dt. tên thần, thần mùa đông. Sách Lễ Ký thiên Nguyệt lệnh viết: “Vua mùa đông là Chuyên Húc, thần mùa đông là Huyền Minh.” (其帝顓頊 ,其神玄冥). Sở Từ bài Viễn Du của Lưu Hướng có câu: “Đón Chuyên Húc mà bày lời chừ, xét Huyền Minh ở không tang.” (就顓頊而敶詞兮,考玄冥於空桑). Vương dật chua: “Huyền Minh là thần mặt trăng” (玄冥,太陰之神). Lý Bạch trong bài Đại chạp phú có đoạn: “Ấy như: mùa đông thảm thiết, khí lạnh căm căm, chẳng muốn gió về, Huyền Minh ném tuyết.” (若乃嚴冬慘切,寒氣凛冽, 不周來風, 玄冥掌雪). Huyền Minh đồng thời trỏ thần phương bắc. Sách Hán Thư phần Dương Hùng truyện thượng, Nhan Sư Cổ chú dẫn ưng thiệu rằng: “Chuyên Húc, Huyền Minh, đều là thần phương bắc, chủ việc giết chóc.” (顓頊、玄冥,皆北方之神,主殺戮也). Hắc Đế, Huyền Minh đà đổi ấn, sóc phong, bạch tuyết hãy đeo đai. (Trừ tịch 194.3). x. Hắc Đế.
Hắc Đế 黑帝
dt. vị thần chủ phương bắc. Thời xưa có lễ cổ gọi là lễ nghinh đông. Mùa đông ứng với phương bắc, màu đen. Cho nên vào ngày lập đông, thiên tử dẫn trăm quan ra ngoài thành phía bắc làm ễ tế thần Hắc Đế để đón mùa đông đến. Sách Lễ Ký thiên Nguyệt lệnh ghi: “Ngày lập đông, thiên tử đích thân dẫn tam công cửu khanh Đại phu ra nghinh đông ở bắc giao.” (立冬之日,天子親師三公九卿大夫以迎冬於北郊). Sách hậu Hán Thư thiên Tế tự chí trung: “Ngày lập đông, đón mùa đông ở bắc giao, tế Hắc Đế, Huyền Minh, cờ xe quần áo đều màu đen cả.” (立冬之日,迎冬于北郊,祭黑帝玄冥,車旗服飾皆黑). Hắc Đế, Huyền Minh đà đổi ấn, sóc phong, bạch tuyết hãy đeo đai. (Trừ tịch 194.3).
khói 灰
◎ Nôm: 𤌋 {火 hoả + 塊 khối}. Chữ 灰 có AHVhôi, khôi với nghĩa “lửa lụi gọi là khôi” (火之滅者為灰) [Lễ Ký- nguyệt lệnh]. Ss đối ứng kʼɔj (30 thổ ngữ Mường), buɲ (14), βuɲ (7) [NV Tài 2005: 231].
dt. <từ cổ> tro, xét “tro” còn có các đồng nguyên tự là “lọ” và “nhọ” với nghĩa màu tro than. Như vậy, “khói” gốc Hán, “tro” gốc Việt, “mun” gốc Nam Á. Tuy nhiên, “tro” vẫn luôn được dùng phổ biến, nên chuyển nghĩa thành “khí màu xám đục bốc lên từ tàn lửa tro bụi”. Mặt khác, “khói” cũng có đối ứng kʰɔj3 (Mường), kăhɔi3 (Rục), kahɔɔy (Thà Vựng) [VĐ Nghiệu 2011: 61], chứng tỏ gia nhập rất sớm. Am rợp chim kêu hoa xảy động, song im hương tịn khói sơ tàn. (Ngôn chí 17.4).
dt. hơi bốc lên từ mặt nước, hoặc khí mù. Khói trầm thuỷ quốc quyên phẳng, nhạn triện hư không gió thâu. (Ngôn chí 14.5, 19.4).
kính 敬
đgt. cung kính. Sách Lễ Ký thiên Thiếu nghi ghi: “Tân khách cốt cung, chủ tế cốt kính” (賓客主恭,祭祀主敬). Hết kính hết thìn bề tiến thoái, mựa tham mựa dại nết anh hùng. (Tự giới 127.3).
mềm 𱙩 / 𣼺 / 𩞝
tt. trái với cứng. Non cao non thấp mây thuộc, cây cứng cây mềm gió hay. (Mạn thuật 26.4)‖ (Bảo kính 158.1)‖ (Tích cảnh thi 200.2, 206.1).
đgt. trong từ mềm lòng. giống như động lòng, xao lòng. Cực thấy ngoài hiên tơ liễu rủ, một phen liễu rủ một phen mềm. (Tích cảnh thi 205.4).
tt. <đạo, nho> dịch chữ nhu nhược 柔弱 (yếu mềm). Sách Đạo Đức Kinh ghi: “Trong trời đất không gì mềm yếu bằng nước, thế mà mọi thứ cứng mạnh chẳng thể thắng nổi nước. Yếu mà thắng mạnh, mềm mà thắng cứng; trong thiên hạ ai mà không biết cái lẽ ấy thì chẳng thể hành sự được.” (天下莫柔弱於水,而攻堅強者莫之能勝,其無以易之。弱之勝強,柔之勝剛,天下莫不知,莫能行 thiên hạ mạc nhu nhược ư thuỷ, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dịch chi. Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương, thiên hạ bất tri, mạc năng hành). Sách Lễ Ký thiên Tuy y có câu: “Tiểu nhân chết đuối vì nước, đại nhân chết đuối bởi dân.” (小人溺於水,大人溺於民). Sách Khổng Tử gia ngữ ghi: “Vua là thuyền, dân là nước. Nước để chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền.” (夫君者、舟也;庶人者、水也。水所以載舟,亦所以覆舟 phù quân giả chu dã; thứ nhân giả thuỷ dã. Thuỷ sở dĩ tải chu, diệc sở dĩ phúc chu). Nguyễn Trãi trong bài Quan hải có câu: “Lật thuyền mới tin dân còn như nước.” (覆舟始信民猶水 phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ). “nước là chất mềm, người ta hay đùa bỡn với nước mà không biết nước là một thứ nguy hiểm, nên thường bị chết đuối. Dân là cỗi rễ của nước, tuy chất phác thật thà nhưng không ai có thể khinh rẻ được, nếu vua chúa mà bỏ dân không bảo vệ dân thì lòng dân phân li mà sự phản bội sẽ theo đến ngay” [TVG,1956: 107]. Bể hiểm nhân gian ai kẻ biết, ghê thay thế nước vị qua mềm. (Tự thuật 115.8).
Nguỵ Trưng 魏徵
(580- 643)
dt. tự Huyền Thành 玄成, người Cự Lộc 巨鹿, nay là huyện Cự Lộc thành phố Hình Đài 邢台 tỉnh Hà Bắc. Ông là nhà chính trị, nhà tư tưởng gia, nhà sử học đời Đường, nhậm chức Gián nghị Đại phu, Tả Quang lộc Đại phu, phong trịnh quốc công, là một trong những gián thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Mỗi lần can gián thái tông, nội dung cực gay gắt nhưng thần sắc không hề dao động, khiến thái tông rất khâm phục, trước sau đã 200 lần dâng sớ can gián vua. Năm Trinh Quán thứ 13 (639) dâng sớ thập tiệm bất khắc chung sớ 十漸不克終疏, được coi là có ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời và đời sau. Về tư tưởng pháp luật, ông nhấn mạnh các khoản minh đức thận phạt 明德慎罰, duy hình chi tuất 惟刑之恤. Ông quan niệm việc trị lý quốc gia căn bản dựa trên các yếu tố đức, lễ, thành, tín; một vị vua minh triết, muốn di phong dịch tục không nên dựa vào hình luật hà khắc mà phải dựa vào nhân nghĩa, ông nói: “Nhân nghĩa là gốc của lý, hình phạt là ngọn của lý.” (仁義,理之本也;刑罰,理之末也). Tác phẩm có bài tự luận cho sách Tuỳ Thư, và tổng luận cho thư tín của các nước Lương, Trần, Tề; ngoài ra còn có sách Thứ Lễ Ký Quần Thư Trị Yếu次禮記群書治要 20 quyển, cùng ngu thế nam và chử lượng viết cuốn quần thư trị yếu群書治要 50 quyển. Các tác phẩm của ông sau được sưu tập lại trong hai cuốn Nguỵ Trinh công gián lục do Vương Phương Khánh thu lục và Trinh Quán chính yếu do Ngô Cạnh biên soạn. Ở đài các, chử lòng Bao Chửng, nhậm tướng khanh, thìn thói Nguỵ Trưng. (Bảo kính 188.6). x. bia Nguỵ Trưng.
ngôn chí 言志
dt. tên các bài thơ nói về chí hướng của nhà Nho. Đây là một cương lĩnh tư tưởng, quan điểm mĩ học, là nền tảng nghệ thuật của lí luận văn học cổ điển đông á, là dòng nghệ thuật chủ lưu của văn học nho giáo trong hàng nghìn năm. Sách Thượng Thư thiên Nghiêu điển ghi: “Thơ nói chí, ca làm cho lời dài thêm” (詩言志,歌永言), lời truyện rằng “cái mà lòng hướng đến thì gọi là chí. Lòng có chỗ hướng đến, thì ắt thể hiện ra lời, cho nên mới nói thi ngôn chí” (心之所之謂之志。心有所之,必形于言,故曰詩言志). Lễ Ký thiên Nhạc kí ghi “thơ nói cái chí ấy vậy” (詩言其志也), “cái chỗ đến của chí, cũng là chỗ mà thơ  hướng đến” (志之所之詩亦至焉). Hứa Thận trong sách Thuyết Văn Giải Tự (bộ “ngôn” 言) giải thích: “thơ là chí. Thơ là chí phát  ra thành lời, bộ ngôn biểu nghĩa, thiên bàng “tự” biểu âm” (詩志也。志發于言。从言寺聲) [Nguyễn Thanh Tùng 2017].
rốt 卒
◎ Nôm: 󰭾 / 室 {票 phiêu +巨 cự}, nhầm từ 栗 {栗 lật + 巨 cự}, kiểu tái lập *krot⁵ [TT Dương 2012c]. rốt là từ gốc Hán, với nghĩa là “chết” trong từ chết tốt. Thú vị là với nghĩa này thì AHV đọc là tuất, như tử tuất. Thế nhưng người Việt vẫn quen đọc là tốt. Từ động từ nghĩa là chết, chữ tốt chuyển sang dùng làm phó từ với nghĩa là “sau cuối, cái đoạn cuối cùng”, tiếng Việt gọi là rốt / rút. Như câu 卒能成事 tuất năng thành sự (rốt cục có thể nên việc). Đứng trong dãy 鬚 râu > tu, 瀉 rửa > tả, 胥 rể > tế, thì 卒 rốt > tốt rất có thể là âm THV.
dt. <từ cổ> cuối, đoạn cuối, lưu tích còn trong chữ sau rốt, rốt cuộc . “rốt: ở đàng sau hết, ở sau chót, ở dưới chót. rốt đáy: ở dưới chót, ở dưới đáy. rốt năm: cuối năm, cùng năm.” [Paulus của 1895: 883]. so bốn mùa đâu bằng xuân rốt (hoàng sĩ khải - tứ thời khúc vịnh)‖ rốt đời nhà trần vâng mệnh sang sứ nước bắc (Truyền Kỳ Mạn Lục giải âm - hạng vương từ ký). Còn lưu tích trong các chữ rốt lòng, rốt hết, rốt ráo. Chưng lời đức thánh đời trước noi trời dựng mực rốt chẳng chi lớn hơn việc lễ <tiền thánh kế thiên lập cực chi đạo mạc đại ư lễ 前聖繼天立極之道莫大於禮 (Lễ Ký đại toàn tiết yếu diễn nghĩa - Lễ Ký đại toàn tự: 1a).
p. <từ cổ> cuối cùng. Tuỳ binh thiêu đốt bốn bên, hậu lý rốt bèn khôn biết cậy ai. (Thiên Nam Ngữ Lục, c. 2704) hai mươi tuất rốt, hai mươi mốt nửa đêm: tiếng nói về mặt trăng, ngày hai mươi coi giờ tuất, ngày hai mốt chừng nửa đêm mới mọc” Tai thường phỏng dạng câu ai đọc: “rốt nhân sinh bảy tám mươi”. (Tự thán 76.8)‖ (Bảo kính 138.8). Dịch câu nhân sinh thất thập cổ lai hy 人生七十古來稀 của Đỗ Phủ.
đgt. <từ cổ> dịch chữ cùng 窮 (thực hiện đến cùng, cố cùng, làm cho rốt ráo), lưu tích còn trong từ rốt ráo. Chàu mặc phận, nguôi lòng ước, rốt an bần, ấy cổ lề. (Tự thán 88.6). cùng (窮) nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; rốt (栗) thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi đụt lốc (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú 28a2).
Thì lệnh môn 時令門
dt. nhóm các bài thơ viết về các mùa, các ngày, các tiết trong năm, như xuân, hạ, thu, đông, ngày trừ tịch… thì lệnh lấy từ kinh điển nho giáo, với nghĩa chính lệnh được ban bố dựa trên lịch sóc. Sách Lễ Ký thiên Nguyệt lệnh ghi “Thiên tử với các bậc công khanh Đại phu cùng gắng sức ở điển chương chế độ quốc gia, thảo luận về thì lệnh, để phù hợp với năm mới.” (天子乃與公卿大夫共飭國典,論時令,以待來歲之宜).
thì trung 𪰛中
𪰛中 = 時中, đgt. <Nho> xử lý đúng theo thời. Sách Chu Dịch quẻ Mông lời Thoán truyện ghi: “Quẻ mông, hanh thông. Vì hanh thông nên mới vận hành, ấy là thuận theo thời vậy” (蒙,亨。以亨行,時中也). Ý nói quẻ mông biểu thị hanh thông. Cho nên, lấy thông để hành sự cho phù hợp với thời cơ. Thì trung có hai hàm nghĩa: 1. hợp với thời nghi; 2. tuỳ thời biến mà thông. Nho gia chú ý đến cả hai nội hàm ứng xử này. Hành vi và ngôn luận đều nên theo thời mà tuỳ xử cho phù hợp. Sách Lễ Ký thiên Trung Dung ghi: “Quân tử mà Trung Dung, quân tử sẽ thì trung vậy.” (君子之中庸也,君子而時中 quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thì trung). Chớ người đục đục, chớ ta thanh, lấy phải thì trung, đạo ở kinh. (Bảo kính 156.1)
tiểu lợi 小利
dt. cái lợi nhỏ. Sách Luận Ngữ ghi: “Chớ có dục tốc, chớ có ham tiểu lợi. Dục tốc thì sẽ chẳng thành; mê tiểu lợi thì sẽ chẳng nên” (無欲速,無見小利。欲速,則不達;見小利,則大事不成). Sách đại đái Lễ Ký ghi: “Thích kiếm tiểu lợi thì làm hại đến chính trị” (好見小利,妨於政). Sách Đại Huyền Kinh ghi: “Chuyện tiểu lợi mà không cắt đứt được thì chính đạo sẽ mờ tối” (小利不絕、正道乃昏也). Ăn lộc nhà quan chịu việc quan, chớ tham tiểu lợi phải gian nan. (Bảo kính 144.2).
tây tối 私最
dt. <từ cổ> chỗ riêng tây tối tăm, trỏ cõi lòng sâu kín chỉ có mình và thần linh biết được. Khổng Tử nói: “quân tử cẩn thận với riêng mình” (君子慎其獨 quân tử thận kỳ độc). Sách Lễ Ký ghi: “Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng, không gì hiện rõ hơn chỗ tế vi, cho nên, quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình” (莫見乎隱,莫顯乎微,故君子慎其獨也 mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã). Sách Trung Dung có đoạn: “cái trời ban thì gọi là tính, noi theo tính là đạo, tu đạo thì gọi là giáo. Đạo chẳng thể rời bỏ chốc lát, đã rời đi tí thì ấy chẳng phải là đạo vậy. Cho nên, quân tử răn dè ở chỗ không ai nhìn thấy, sợ sệt ở chỗ không ai nghe thấy. Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng; không gì hiển rõ hơn chỗ tế vi. Cho nên quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình…” (天命之謂性,率性之謂道, 修道之謂教。道也者,不可須臾離也,可離非道也。是故君子戒慎乎其所不睹,恐懼乎其所不聞。莫見乎隱,莫顯乎微。故君子慎其獨也…). Chu Tử lại chua: “ẩn” là chỗ mờ tối, “vi” là những việc nhỏ nhặn. “độc” là chỗ người không biết mà chỉ có riêng mình biết mà thôi. Ý nói: những việc tế vi trong chỗ u ám, tuy rằng chưa hiện ra mà cơ hồ đã mảy phát rồi. Tuy rằng người chưa biết, nhưng mình đã biết thì mọi việc trong thiện hạ không có gì hiện lộ rõ ràng mà vượt qua cả điều đó. Cho nên, quân tử vốn luôn răn dè mà ở chỗ đó lại càng thêm cẩn thận. Nên phải át chế nhân dục lúc sắp nảy mống, không để nó ngấm ngầm trầm trệ ở chỗ ẩn vi để đến nỗi phải xa lìa cái đạo vậy!” (隠暗處也㣲細事也獨者人所不知而已所獨知之地也言幽暗之中細㣲之事跡雖未形而㡬則已動人雖不知而已獨知之則是天下之事無有著見明顯而過於此者是以君子既常戒懼而於此尤加謹焉所以遏人欲於将萌而不使其潛滋暗長於隠㣲之中以至離道之逺也) [Tứ thư chương cú tập chú - Trung Dung chương cú]. Đến đây, ta đã tìm được mối dây liên hệ để giải mã cho từ tư tối. Chữ (riêng) được dùng để dịch cho chữ độc 獨 (riêng mình) trong các văn bản nho gia như Lễ Ký, Trung Dung, Đại Học. Chữ tối được dùng để dịch chữ ẩn 隠 (chỗ u ám, sâu kín, tức cõi lòng) theo cách chú giải của Chu Tử trong Tứ thư chương cú tập chú. Sách Giác thế kinh của Đạo giáo có câu: “Cho nên người quân tử ba sợ bốn biết để cẩn thận với chính mình, chớ nói rằng tâm ta như góc nhà tối mà coi thường, chỗ dột trong góc nhà ấy thực đáng xấu hổ, nhất động nhất tĩnh đều do thần minh giám sát, phải coi đó là chỗ chỗ mười mắt nhìn vào mười tay trỏ vào, thế thì mới đến được cái lý vậy.” (故君子三畏四知、以慎其獨、勿謂暗室可欺、屋漏可愧、一動一静、神明鑒察、十目十手,理所必至) [TT Dương 2011c]. Há chẳng biến dời cùng thế thái, những âu tây tối có thần minh. (Tự thán 96.4). x. tây. pb tư túi.